Long Điền có hệ thống sông ngòi,ướcTỉkeo ca cuoc ma cao bưng bàu phong phú, đóng vai trò quan trọng trong việc phục vụ kháng chiến và phát triển kinh tế, văn hóa địa phương. Nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập huyện, tôi xin được viết và chia sẻ những ký ức tuổi thơ từng gắn bó với quê hương, vừa ngọt ngào, dịu dàng, nhưng đôi khi cũng mãnh liệt, khó tả.
Tôi sinh ra và lớn lên tại một xã ven biển thuộc phía Tây Nam huyện Long Điền - xã Phước Tỉnh. Thời đó còn nghèo lắm, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông đối với ai có đất, hoặc buôn bán nhỏ và làm những công việc xoay quanh cảng cá, ghe thuyền; cơ sở hạ tầng đường sá, nhà cửa còn đơn sơ. Chỉ có tình làng, nghĩa xóm thắm đượm, yêu thương nhau không cần điều kiện, hỗ trợ nhau nhiệt tình khi khó khăn, hoạn nạn.
Gia đình tôi sống chủ yếu bằng nghề biển, ba tôi đi ghe của người ta, mẹ tôi sáng bán bánh mì, trưa xuống cảng mua cá tôm bán lại kiếm đồng ra đồng vào, tối thì nhận may thêm quần áo. Bởi vì mẹ tôi vốn dĩ là thợ may, nhưng từ khi lấy ba tôi và vào vùng đất Phước Tỉnh này sinh sống phải bươn chải nhiều nghề để nuôi mấy chị em tôi. Ba tôi đi ghe phải vài tháng mới vào một lần, mà mỗi lần chỉ được vài ngày, thương ba vất vả nắng gió, lênh đênh, nhưng thời đó chỉ có đi ghe thì mới có tiền để trang trải cuộc sống.
Nhớ nhất và thích nhất là những ngày cuối năm (vào tháng 12 âm lịch), là thời gian mà các ghe thuyền tấp nập vào nghỉ tết, đường sá cũng trở nên nhộn nhịp. Các ghe thuyền cập bến, nào người buôn người bán đủ các loại hải sản. Thích nhất là ba tôi, cũng như những người đàn ông làm nghề biển khác, trở về nhà nghỉ ngơi sau một năm dài trên biển. Đó cũng là thời gian ba ở nhà lâu nhất trong năm.
Những chiếc ghe được kéo ụ để sửa sang lại chuẩn bị cho một năm mới. Nhà nhà, người người đều rộn ràng sắm sửa cúng kiếng tiễn đưa năm cũ chào đón năm mới với mong ước ấm no, thành công hơn.
Đối với người con miền biển, dịp vui nhất là dịp những người cha, những người anh sum họp về sau mỗi chuyến ra khơi. Cũng nhờ nghề biển mà lũ trẻ chúng tôi mỗi dịp hè có thêm thu nhập phụ giúp ba mẹ mình qua việc làm ghẹ hay phơi cá, cắt cá…, và cũng có một ít tiền để mua sách vở cho năm học mới. Vì vậy tuy làm cực nhưng bạn nào cũng thích. Ở đâu, hay các nghề khác có thể thay thế bằng máy móc, nhưng đối với nghề biển nơi quê tôi, sức lao động con người vẫn là chủ yếu.
Hiện nay, mọi thứ khó khăn hơn, công việc cũng ít hơn. Vì ngư trường đã không còn rộng rãi, hải sản dường như cũng ít hơn, ngư dân gặp nhiều khó khăn hơn. Tôi không biết ở đâu nói nghề biển sướng lắm, chứ theo tôi thấy, nó cực, rất cực, nhiều nguy hiểm, sóng gió, khó khăn và có thể đánh đổi cả tính mạng của mình để có cuộc sống ấm no, sung túc.
Phước Tỉnh xưa là vậy, còn nhiều ký ức tuổi thơ lắm, kể sao cho hết! Nghĩ về ngày xưa, tôi vẫn nhớ như in những ngày được nghỉ học tụ tập đám bạn lại rủ nhau ra một góc xóm quen thuộc, chơi đủ trò dân gian mà bọn trẻ con bây giờ hầu như không biết…
Giờ đây, sau 20 năm tái thành lập, Phước Tỉnh khác lắm, điều đó thể hiện sự phát triển mạnh mẽ của một vùng quê năng động, sáng tạo. Cảnh tấp nập ghe thuyền ngày xưa cũng không còn nhiều, thay vào đó là ghe cộ đậu bờ và kêu bán nhiều hơn, thay đổi nghề khác cho an toàn hơn. Vì đa số người dân là ngư phủ, đi biển từ sớm, không có điều kiện học hành nên việc chọn nghề mới cũng gặp khó khăn. Mà theo quy luật phát triển, thì người ta không theo kịp các loại giấy tờ để vận hành…
Phước Tỉnh bây giờ qua bao nhiêu thay đổi, nhưng người Phước Tỉnh - Long Điền luôn có "biệt danh" là hiền lành, mến khách, luôn chịu khó, tự tin vượt qua khó khăn để cuộc sống ngày càng khá giả. Người dân nơi đây cũng một thời kiên cường chống giặc ngoại xâm, làm nức lòng cả nước.
Hồi tưởng những kỷ niệm thời thơ ấu, trong tôi dấy lên một điều gì đó rất thiêng liêng, cảm giác thật bùi ngùi, xúc động. Mong sao cho xã Phước Tỉnh - huyện Long Điền luôn luôn phát triển bền vững; đời sống người dân ngày càng ổn định, ngày càng nâng cao, cảnh quan môi trường luôn xanh, sạch, đẹp; con người luôn thân thiện, mến khách…
Cuộc thi viết Hào khí miền Đôngdo Báo Thanh Niên phối hợp cùng Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 tổ chức là cơ hội để độc giả chia sẻ tình cảm sâu đậm của bản thân về đất và người các tỉnh thành Đông Nam bộ (bao gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Tây Ninh, TP.HCM), đồng thời đóng góp những cách làm hay, mô hình mới, tư duy sáng tạo, năng động của người miền Đông. Tác giả có thể gửi bài tham dự theo hình thức tản văn, tùy bút, ghi chép, phóng sự báo chí... để có cơ hội nhận các giải thưởng hấp dẫn với tổng trị giá đến 120 triệu đồng.
Bài dự thi vui lòng gửi về địa chỉ email haokhimiendong
Thể lệ chi tiết vui lòng xem tại đây.